Phương pháp Bất_bạo_động

Martin Luther King

Hành động bất bạo động thường thuộc ba loại sau: lên tiếng và thuyết phục, bất hợp tác và can thiệp.[6]

Lên tiếng và thuyết phục

Lên tiếng và thuyết phục được thực hiện bởi một nhóm người nhằm thể hiện sự ủng hộ hay phản đối một điều gì đó. Mục đích của việc này nhằm làm cho dư luận chú ý đến một vấn đề, thuyết phục hoặc tác động đến một nhóm người nào đó hoặc tạo điều kiện cho hành động bất bạo động trong tương lai. Họ gửi thông điệp đến dư luận, phe đối lập hoặc những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề đó. Lên tiếng và thuyết phục bao gồm đọc diễn văn, nói chuyện trước công chúng, thỉnh cầu, tạo hình ảnh, sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, diễu hành và các cuộc tập hợp công cộng khác.[7]

Bất hợp tác

Bất hợp tác là sự không hợp tác một cách có chủ đích. Mục đích của việc này là gây trở ngại hoặc tạm dừng một ngành kinh doanh, một hệ thống chính trị hoặc một quá trình kinh tế. Phương pháp bất hợp tác bao gồm đình công, tẩy chay, bất phục tùng, không nộp thuế hoặc các hành động bất phục tùng khác.[7]

Can thiệp

Bất bạo động can thiệp là một phương pháp bất bạo động trực tiếp so với lên tiếng và bất hợp tác. Bất bạo động can thiệp có thể là phòng ngự như duy trì một tổ chức hoặc tấn công như xâm nhập vào khu vực của phe đối lập. Can thiệp tạo ra tác động trực tiếp và hiệu quả hơn hai phương pháp trên nhưng khó khăn hơn và đòi hỏi sự nỗ lực của người tham gia. Phương pháp can thiệp bao gồm biểu tình ngồi, chặn đường, tuyệt thực, diễu hành bằng phương tiện giao thông và chia sẻ quyền lực.[7]

Chiến thuật phải được cân nhắc, có xem xét đến tình hình chính trị và đặc điểm văn hóa cũng như phải theo một chiến lược hoặc kế hoạch nhất định. Gene Sharp, một nhà nghiên cứu chính trị và nhà đấu tranh bất bạo động, đã viết phương pháp đấu tranh bất bạo động, trong đó bao gồm một danh sách có 198 phương pháp đấu tranh.[8]

Một phương pháp hiệu quả khác là làm cho dư luận đánh giá hành động của những người đàn áp khi những người này dùng bạo lực đàn áp một phong trào không bạo lực. Nếu như cảnh sát hoặc quân đội dùng bạo lực để dập tắt phong trào thì quyền lực đã chuyển từ tay những người đàn áp vào tay những người đấu tranh. Nếu những người đấu tranh vẫn giữ được trạng thái đó, quân sự và cảnh sát phải chấp nhận sự thật là họ không còn quyền lực đối với những người đấu tranh. Thông thường, sự sẵn sàng chịu đựng đàn áp sẽ tác động mạnh mẽ lên tinh thần và tình cảm của người đàn áp và làm cho họ không thể thực hiện hành vi bạo lực đó nữa.[9][10]

Có nhiều nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng có xem xét những khía cạnh tinh thần và thực tiễn của bất bạo động như: Lev Nikolayevich Tolstoy, Lech Wałęsa, Petra Kelly, Thích Nhất Hạnh, Dorothy Day, Ammon Hennacy, Albert Einstein, John Howard Yoder, Stanley Hauerwas, David McReynolds, Johan Galtung, Martin Luther King, Mohandas Karamchand Gandhi, Daniel Berrigan, Khan Abdul Ghaffar Khan, Mario Rodríguez CobosCésar Chávez.

“ Khả năng chịu đựng của chúng tôi sẽ làm hao mòn các ngài. ”

— Martin Luther King, 1963[11]